Friday, October 16, 2009

Cựu Trung Tá Nguyễn Thừa Dzu


Monday, October 12, 2009 Bookmark and Share



medium_NguyenThuaDu.jpg

Ông Nguyễn Thừa Dzu (phải) thời Thiếu Tá TĐT BĐQ. (Tư liệu của mũ đỏ VTV)



Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài SBTN, cách đây trên một tháng, tác giả hồi ký “Biến Động Miền Trung,” ông Liên Thành cho biết, khi biến động miền Trung hồi tháng 3-1966 nổ lớn, với sự tham gia của nhiều thành phần dân chúng, nhưng trong số này, quan trọng nhất là Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân (TĐ 11/BĐQ) đóng ở Đà Nẵng. Tiểu đoàn này do Đại úy Nguyễn Thừa Dzu làm Tiểu đoàn trưởng, với Trung úy Tôn Thất Trực trong vai trò phụ tá, từ đầu đã đứng về phe nổi dậy, chống lại chính quyền trung ương ở Saigòn.

Ý thức được tầm quan trọng và nguy hiểm khôn lường của TĐ 11/BĐQ Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, khi đó, đã cử rất nhiều người ra Đà Nẵng, như các ông Phạm Huy Sảnh, Trần Minh Công, Trần Thụy Ly…kín đáo gặp gỡ Đại úy Nguyễn Thừa Dzu, thuyết phục quay súng trở về với chính phủ. Cuối cùng, ông Nguyễn Thừa Dzu đã đồng ý với một điều kiện là phải thu xếp cho Trung úy Tôn Thất Trực, khi đó là Tiểu đoàn phó TĐ 11/BĐQ một chức vụ tốt hơn ở trong Nam. Vì ông Dzu lo ngại Trung úy Tôn Thất Trực sẽ chống lại quyết định của ông bằng cách lôi kéo một số binh sĩ TĐ 11/BĐQ tiếp tục tham gia phe ly khai, chống chính phủ.

Tác giả hồi ký “Biến Động Miền Trung” nhấn mạnh: “Nếu Nguyễn Thừa Dzu không quay trở lại với chính quyền trung ương, tôi nghĩ hậu quả sẽ rất khó lường. Nói cách khác, vai trò của ông Dzu trong thời điểm đó, cực kỳ quan trọng. Có thể nói là mang tính lịch sử…”

Sau biến động miền Trung, 1966, ông Nguyễn Thừa Dzu được thuyên chuyển về Saigòn, giữ chức vụ quận trưởng cảnh sát quận 9. Vì thế mà ông được bằng hữu gọi ông một cách thương mến là “ông cò quận 9” hoặc ngắn gọn hơn “Cò Dzu.”
Vào những năm tháng cuối cùng trước tháng 4-1975, ông Nguyễn Thừa Dzu phục vụ tại Tổng Cực Chiến Tranh Chính Trị với cấp bậc trung tá.

Nhưng, theo ông Nguyễn Đăng Sửu, một người bạn rất thân với Nguyễn Thừa Dzu, từ những ngày hai người còn sống ở Huế thì, Nguyễn Thừa Dzu là người không bao giờ muốn nói về mình. Mỗi khi có ai hỏi han về các thành tích của mình, ông Dzu thường chỉ mỉm cười, trả lời:
“Chuyện cũ rồi. Có gì đáng để nói đâu.”

Nhận xét của ông Sửu về bạn ông, cũng là nhận xét của nhiều người khác, về ông Nguyễn Thừa Dzu, một người rất chí tình với bằng hữu. Tuy không làm văn nghệ nhưng bản chất Nguyễn Thừa Dzu là bản chất một nghệ sĩ, nên ông quen biết và được rất nhiều người trong giới này thương mến.

Những người quen thân với ông Nguyễn Thừa Dzu hẳn không quên rằng, ông Nguyễn Thừa Dzu có biệt tài thổi sáo miệng, đệm cho những người ngâm thơ. Nếu không thấy tận mắt, người ta sẽ đinh ninh, đó là tiếng sáo đi ra từ một cây sáo trúc, của một nghệ sĩ chuyên nghiệp nào đó.

Một bạn khác của ông Nguyễn Thừa Dzu cho biết, trong số những người phụ nữ đi qua đời ông, đã có tới 2 người ở trong giới tân và cổ nhạc.
Tháng 4 năm 1975 khi Saigòn bị mất vào tay Cộng sản, ông Nguyễn Thừa Dzu có mặt trong đợt người Việt tỵ nạn đầu tiên, định cư tại Hoa Kỳ.

Đầu thập niên 1980, ông được ban lãnh đạo tổ chức MTQGTNGPVN tín nhiệm trong vai trò Chủ nhiệm tuần báo Thống Nhất.
Khi tờ bào này đình bản, ông cùng một số bằng hữu xuất bản tuần báo Lính, nhằm phục vụ tập thể QL/VNCH cũ.
Theo ông Nguyễn Đăng Sửu thì, trong tất cả những lần về Việt Nam, ông Nguyễn Thừa Dzu đều trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của ông là quận Quảng Điền, gần Sịa, ở ngoại ô thành phố Huế.

Lần chót, cách đây trên dưới sáu tháng, ông Nguyễn Thừa Dzu tâm sự với bạn rằng, mơ ước trùng tu mồ mả của ông nhiều phần sẽ không thể thực hiện được. Lý do, tình trạng sức khoẻ của ông ngày một suy yếu. 4 giờ 45 phút sáng, Ngày 29 tháng 9 năm 2009, cựu Trung tá Nguyễn Thừa Dzu đã từ trần tại thành phố Westminster, hưởng thọ 75 tuổi.

Tang lễ của ông có sự hiện diện của rất đông thân hữu. Trong số này có khá nhiều người về từ những tiểu bang rất xa.
Sự kiện này, tự nó đã nói lên rằng, ông để lại quá nhiều tiếc thương cho những người còn lại.

Hân Ng.



No comments:

Post a Comment